Nếu các bạn đã mò được đến đây thì khả năng rất cao là bạn muốn thử sức với môn nghệ thuật này rồi. Hôm nay mình sẽ nêu ra các bước cũng như kinh nghiệm trong quá trình khắc trứng của mình cho các bạn tham khảo.
Hướng dẫn chi tiết các bước điêu khắc trên vỏ trứng.
1. Chuẩn bị dụng cụ.
Muốn làm gì cũng phải cũng có đồ nghề và khắc trứng cũng vậy bạn có thể tham khảo bài viết này để tìm hiểu thêm về những dụng cụ cần thiết. Khá nhiều đấy nhé!
2. Chọn trứng.
Đây là công đoạn khá là quan trọng đấy nhé (theo mình là vậy) các bạn có thể làm trên bất cứ loại trứng nào mà bạn biết tuy vậy thì có một số loại phổ biến như: trứng gà công nghiệp, trứng vịt, trứng ngỗng, trứng đà điểu. Bạn nên chọn những quả trứng lành lặn, không nứt vỡ, tròn đều, màu sắc đồng đều.
3. Xử lí vỏ trứng.
Trong bước này mình xin chia ra làm 3 bước nhỏ:
3.1. Lấy ruột trứng.
Cách lấy mình thường áp dụng nhất là đục 2 lỗ: 1 lỗ nhỏ 0.5mm ở trên, 1 lỗ to tầm 5mm ở dưới. Sau đó dùng kim tiêm 50ml bơm không khí vào quả trứng từ lỗ trên và ruột trứng sẽ ra ngoài theo lỗ dưới.
3.2. Làm sạch vỏ trứng.
Đơn giản thôi bạn dùng bơm tiêm 50ml sau đó bơm nước sạch vào trong quả trứng lắc đều rồi lại đẩy nước ra ngoài. Làm đến khi bạn cảm thấy sạch thì thôi.
3.3. Làm khô vỏ trứng.
Tại sao phải làm khô vì vỏ trứng càng khô thì càng dễ khắc và sẽ khó vỡ hơn. Bạn có thể mang vỏ trứng ra phơi dưới ánh nắng mặt trời hoặc dùng máy sấy tóc hay bất cứ cách nào mà bạn nghĩ ra.
Ngoài ra bạn có thể tham khảo cách sau:
- Lấy ruột trứng.
- Làm sạch vỏ trứng.
- Lấy lớp màng bên trong bằng cách bơm nước tẩy Vim vào trong vỏ trứng tráng đều trong tầm 3 phút sau đó lấy nước tẩy ra. Rồi dùng nhíp bóc lớp màng ra.
- Ngâm nước muối đặc tầm 1 ngày để làm vỏ trứng cứng hơn.
- Làm khô vỏ trứng.
4. Vẽ phác thảo hình cần khắc lên vỏ trứng.
Bạn cần vẽ phác thảo hình bạn cần khắc lên vỏ trứng bằng bút chì sau đó suy nghĩ xem nên đi mũi khoan như thế nào từ đâu đến đâu để không làm vỡ vỏ trứng. Bạn nên tưởng tượng cho kĩ vì khi khắc rồi thì sẽ rất khó sửa lại. Lưu ý một điều là nếu muốn nổi bật một chi tiết nào thì nên khắc một mặt thôi mặt sau không khắc gì cả. Bố cục hình cần khắc không nên quá to hoặc quá nhỏ cần phải cân đối với kích thước của quả trứng. Một vấn đề bạn cần quan tâm nữa là đây là điêu khắc chứ không phải vẽ trên giấy nên sẽ có chút khác biệt khi khắc theo hình bạn vẽ đó.
Đừng quá cố tạo các chi tiết cầu kì nhất là với các loại trứng có kích thước nhỏ như: gà, vịt thay vào đó hãy cố gắng làm bật nội dung bạn muốn truyền tải đến người xem (riêng thông thủng thôi nhé còn mài 3D thì nó lại khác) tất nhiên đây chỉ là lời khuyên của cá nhân mình mà thôi còn làm thế nào là do bạn. Riêng khắc chân dung bạn nên phân chia rõ vùng sáng tối ra chia tỉ lệ cho phù hợp vừa khắc vừa chỉnh cho đẹp. Đối với trứng ngỗng, trứng đà điểu có kích thước lớn thì bạn có thể vẽ các chi tiết nhỏ và cầu kì một chút sẽ đẹp hơn tuy vậy đối với hình khắc 3D thì bạn cần luyện nhiều thì mới đẹp được chứ nói suông thì không giỏi được đâu. Thôi dài quá rồi sang phần khác nhé!
5. Khắc nào!
Sau khi đã vẽ hình cần khắc lên vỏ trứng rồi chúng ta sẽ đi vào phần khó nhất đó là khắc lên vỏ trứng. Qua một thời gian theo đuổi môn nghệ thuật này mình xin chia sẻ một số vấn đề như sau:
5.1. Các thao tác cơ bản của khắc trứng.
Có khá nhiều thao tác nhưng mình xin nêu ra một số thao tác chính sau:
- Đục lỗ: trong quá trình làm bạn sẽ phải đục lỗ có những kích thước khác nhau theo kinh nghiệm của mình thì bạn nên vẽ hoặc ước lượng kích thước của lỗ trước sau đó dùng mũi khoan 0.5mm khoan vào chính giữa và mở rộng bằng cách dùng mũi mài có kích thước lớn một chút.
- Đi nét chữ: bạn nên dùng mũi khoan 0.5mm khoan đánh dấu trước (tức là bạn khoan một số lỗ vào vị bạn định đặt mũi mài để từ đó đi các nét chữ ấy) rồi dùng mũi mài nhọn (mũi mài này càng nhọn làm càng dễ tí nữa mình sẽ chia sẻ cách làm cho nó nhọn) đi theo hình đã vẽ trước đó.
- Mài: Thao tác này thường hay áp dụng với trứng gà đỏ, trứng ngỗng, trứng đà điểu hơn là trứng vịt. Mài trắng trứng gà sẽ là kĩ thuật mà bạn hay dùng nhất cách làm như sau: bạn nên phân vùng cần mài và vùng không cần mài trước hoặc phân định vùng mài nhiều vùng mài ít (trong khắc 3d) sau đó dùng những mũi mài có kích thước phù hợp với vùng cần mài và mài thôi, nên đi đều tay không được ấn quá mạnh lực ấn cần phù hợp, tuyệt đối không được nóng vội vì sẽ làm hỏng và bạn phải làm lại đó.
- Cắt: Thao tác này nghe hơi lạ nhưng mình cũng không biết nên gọi thế nào cho hợp, bạn nào có cách gọi khác thì comment bên dưới nhé. Hiểu theo ý mình thì tức là bạn loại bỏ một phần lớn vỏ trứng đi. Thông thường nhất là dùng mũi mài để đi xung quanh viền hình mà bạn định loại bỏ, một số cao thủ hơn thì dùng trực tiếp lưỡi cắt cho nhanh cái này thì tùy bạn thôi.
- Hết rồi thì phải.
5.2. Một số kinh nghiệm.
- Mũi khoan rất rung, lắc làm trứng dễ bị vỡ có thể dùng cách sau: Tháo ra lắp lại mũi khoan nhiều lần để thử xem được chưa, cuốn thêm ít nilông (lấy ở túi nilông ấy loại mỏng thôi nhé) xung quanh mũi khoan nhớ làm cho nó gọn vào rồi lắp lại thử xem, nếu vẫn không được thì kiểm tra xem máy có bị lệnh trục không (thông thường là do một số ốc vít bị lỏng hoặc do máy đểu) mũi khoan có đồng tâm không (bạn có thể cắt ngắn mũi thử xem). Đến đây mà không được thì chắc bạn nên mua máy mới rồi.
- Cứ đi nét nhỏ là bị vỡ, sắp xong thì vỡ, tay cầm quả trứng bóp vỡ mất...Cách khắc phục: nên đi các chi tiết dễ vỡ các chi tiết nhỏ trước, làm theo một chiều nhất định (ví dụ: từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, từ trái sang phải), tay cầm trứng phải chú ý không nên tỳ vào những chi tiết đã khắc, một yêu cầu nữa là bạn không được nóng vội sẽ hỏng đấy. Chia những chi tiết nhỏ, dễ vỡ thành nhiều đoạn rồi làm từng đoạn nên tính toán làm sao để tránh lực tác động vào phần đã làm trước đó.
- Dùng mũi nào và trong trường hợp nào theo mình thì bạn nên tự làm nhiều và đúc rút ra kinh nghiệm chứ cái này mình cũng không biết nói thế nào cả.
- Nên chăm chút kĩ lưỡng cho từng nét khắc, đi nét dứt khoát, làm đến đâu xong đến đó tránh để phải quay lại sửa vì có thể sẽ làm vỡ. Nếu máy của bạn có thể điều chỉnh tốc độ thì nên để tốc cao khi đi nét chữ hay cắt còn khi mài trắng thì nên để ở tốc độ chậm một chút.
- Một điều mà các bạn cứ thấy mình nhắc đi nhắc lại nhiều lần nhưng mình vẫn phải nhắc lại đó là các bạn phải thật cẩn thận đừng nóng vội sẽ hỏng đấy (Biết rồi khổ lắm nói mãi).
- Làm thế nào để có một mũi khoan nhọn, nhỏ để đi những nét mảnh? Một cách mình hay dùng là chọn mũi mài đồng tâm sau đó lắp vào máy rồi dùng nó mài vào cái như hình dưới (nhớ là bạn là phải đang dùng mũi có phủ kim cương đấy nhé, đừng có dại mà mài hai mũi kim cương vào nhau).
6. Tẩy trắng, lấy lớp màng và làm sạch nét vẽ chì.
Để tẩy trắng và làm mất lớp màng bên trong bạn cho Javen vào một hộp nhựa rồi cho quả trứng vào (Javen đặc nhé) một lưu ý quan trọng là bạn phải trông không có thì Javen sẽ ăn mòn quá mức cần thiết là hỏng đấy theo kinh nghiệm của mình thì tầm 10-20 phút là được. Sau đó bạn rửa qua bằng nước rồi dùng dầu rửa bát để làm sạch nét vẽ bằng chì. Nếu bạn đã lấy lớp màng trước đó thì có thể không cần ngâm Javen (mình thì cứ ngâm trông cho nó trắng). Nhớ là thật nhẹ nhàng đấy vì sắp xong rồi mà hỏng thì!!!7. Hoàn thiện, lắp đèn, đế và đem trưng bày.
Bạn có thể dùng máy sấy để làm khô sản phẩm, sau đó lắp bóng đèn led vào trong cho nó. Đế và hộp đựng thì có thể mua hoặc tự làm từ giấy làm mô hình hay cắt bằng gỗ, mica cái này thì phụ thuộc vào bạn thôi. Một số thành quả của mình: 8. Kết luận.
Trên đây mình đã hướng dẫn từng bước một để tạo ra một sản phẩm điêu khắc từ vỏ trứng mong rằng các bạn áp dụng thành công. Bài viết chỉ là những kinh nghiệm cá nhân nên nếu các bạn có đóng góp gì thì comment bên dưới mình sẽ bổ sung.Rất cảm ơn các bạn đã đọc bài, thấy hay thì like và share cho mọi người nhé!
Nguồn : www.trungtamthietbi.com